Khám phá Mochi – Loại bánh gây sốt trong cộng đồng mê bánh kẹo Nhật Bản

Ẩm thực, Khám phá Nhật Bản, Nhật bản đến và yêu 626 lượt xem

Bánh Mochi Nhật Bản được xem là món bánh ngọt truyền thống cổ xưa xuất hiện trong hầu hết các dịp lễ Tết của người Nhật, đây cũng được xem là món bánh làm quà được nhiều quý khách chọn mua khi đến với đất nước Mặt trời mọc. Bánh Mochi được làm từ gạo nếp với rất nhiều hương vị, màu sắc, kết cấu và những cách chế biến khác nhau.

Sau khi lướt 1 vòng Internet thì mình thấy có khá nhiều thông tin nhắc về bánh Mochi Nhật Bản khá nhiều, điều này đủ cho thấy bánh Mochi đang gây một ảnh hưởng to lớn trong cộng đồng mê bánh kẹo Nhật Bản tại Việt Nam

Ấy thế mà bạn có biết bánh Mochi có rất nhiều loại lắm đấy, vì vậy sau đây Nhatbanaz xin giới thiệu đến bạn một số món bánh Mochi rất nổi tiếng và thường thấy bên Nhật Bản dưới bài viết dưới đây nha.

Các món bánh Mochi phổ biến ở Nhật Bản

1. Daifuku

Đây là một loại bánh mochi được nhồi mứt đậu đỏ nấu với đường (red bean paste) hoặc mứt đậu trắng nấu với đường (white bean paste) vào bên trong để làm phần nhân bánh. Bánh thường có màu nâu hoặc màu trắng, bên ngoài được áo một lớp bột bắp hoặc bột gạo để ngăn các chiếc bánh dính vào nhau hoặc dính vào tay người ăn. Đây là một món ăn cơ bản nhất trong gia đình nhà bánh mochi thường được ăn hay xách tay về Việt Nam.

 

2. Ichigo Daifuku

Bánh mochi được nhồi mứt anko (mứt đậu đỏ nấu đường) vào bên trong nhân bánh đồng thời với cả một quả dâu tươi. Bạn sẽ thấy chiếc bánh Ichigo Daifuku là thức ăn vặt chính của trẻ em Nhật Bản và ngay cả với những người lớn ưa thích ăn vặt vì món mứt đậu đỏ dinh dưỡng ngọt lịm với trái dâu tươi chín mọng tạo ra một hương vị chua chua ngọt ngọt kích thích vị giác.

3. Kusa Mochi

Món bánh Kusa Mochi (còn được gọi là Mochi Cỏ Xanh) có màu xanh đặc trưng và được thêm mùi của cây ngải cứu (yomogi). Bánh có thể được nhồi mứt đậu đỏ để tạo độ ngọt. Ngoài ra, ở một số nơi trên Nhật Bản, món Kusa Mochi còn được gọi là Yomogi Mochi vì có hương vị như cây ngải cứu. Bánh có thể có hình tròn hoặc hình vuông tùy vào mỗi nơi. Ở những vùng quê vào các dịp lễ tết, ngoài các món ăn tết ra thì đây cũng chính là một món không bao giờ được thiếu đó nha.

4. Mochi Ice Cream (Mochi kem)

Món Mochi nhân kem đầy màu sắc này được bọn trẻ con Nhật bản mê tít. Thông thường, bánh mochi sẽ đông cứng lại mỗi khi để trong tủ lạnh. Vì thế, loại bánh mochi nhân kem này được làm từ một loại bột đặc biệt là Mochiko – loại bột chuyên dụng làm bánh mochi thay vì bột gạo. Nếu làm theo cách này thì chiếc bánh mochi có lớp áo ngoài rất mịn màng và hấp dẫn.

5. Oshiruko

Với món ăn này, bạn sẽ thấy nó khá giống chè trôi nước của Việt Nam chúng ta đây mà, lúc này, mochi được bỏ vào trong một loại súp ngọt tráng miệng của Nhật. Bên trong món súp còn chứa đậu Azuki của Nhật (loại đậu đỏ làm mức anko).

Theo như nhiều người bảo thì ăn món này khá mát và ngon miệng. Còn bạn thì nghĩ như thế nào về món bánh mochi này nhỉ?

6. Chikara Udon

Đây có thể là một món khá đặc sắc khi bạn nghe qua món này: Mì Udon nấu với bánh mochi nướng. Món này trông có vẻ giống món hủ tiếu của Việt Nam mình với bánh tôm nướng. Mì udon với món bánh mochi nướng này dùng nóng. Đôi khi, một số tiệm mì sẽ bỏ vào đây thêm một số thứ nữa như nấm, chả cá, thịt bò hoặc trứng cho đặc sắc.

7. Zoni

Đây chính là một món súp nha. Món súp này được nấu với rau củ quả và bánh Mochi, được ăn vào ngày đầu năm mới (mùng 1 tết). Món này ngoài mang ý nghĩa tốt cho sức khỏe thì còn mang ý nghĩa tâm linh là một năm mới khởi đầu đầy may mắn.

8. Kinako Mochi

Món này cũng là một món được ăn vào dịp Tết của người Nhật Bản. Món bánh mochi này được làm bằng cách nướng mochi trong lò, sau đó rắc đường và bột Kinako (bột đậu nành nướng) lên phía trên. Món này thường dùng kèm với trà xanh, có thể là dùng kèm với một số quà vặt khác như nama chocolate chẳng hạn . Một số nơi sẽ bán món này dưới dạng quà vặt và đem xiên que nó.

9. Kirimochi hoặc Kakumochi

Món bánh mochi này có hình khối chữ nhật và được dùng làm nguyên liệu cho một số món ăn. Người Nhật nướng những khối mochi này lên, rắc lên một thứ gì đó ngọt ngọt (đường hoặc kem chẳng hạn) rồi ăn chúng. Bạn cũng sẽ thấy một số người còn bỏ chúng vào mì, đem hấp hoặc dùng kèm với món gì mà bạn có thể nghĩ ra, ví dụ như tempura hoặc dùng chung với bột trà xanh pha sữa.

10. Dango

Cái bánh này là một loại bánh hấp được làm từ bột Mochiko. Bánh Dango khá mịn và ăn na ná giống bánh mochi nhưng về kĩ thuật làm bánh, nó không phải là mochi. Món này thường được rắc đậu phộng lên và thưởng thức cùng với trà. Một số người còn nhồi thêm nhân vào và thưởng thức. Trong dịp lễ Tết, bạn sẽ thấy hình ảnh Dango xiên que trông rất bắt mắt.

11. Warabi Mochi

Không biết như thế nào mà người Nhật Bản đưa món này vào danh sách bánh Mochi. Đây là một món thạch được làm từ bột dương xỉ (món này khá lạ) và được bao phủ bởi bột đậu nành nướng Kinako. Món Warabi mochi này chẳng có cái bánh gạo mochi nào trong đây cả, ấy thế mà nó vẫn được gọi là mochi đấy.

12. Uiro Mochi

Món này có nguyên liệu là bánh hấp được làm từ bột và đường. Món này có vẻ nhìn rất giống rau câu nhưng cứng hơn nhiều. Món này cũng là một món tráng miệng và cũng chẳng phải là mochi – nó được gọi là mochi chỉ vì người ăn nó phải nhai đi nhai lại rất nhiều lần, hệt như đang ăn bánh mochi.

13. Hishimochi

Một món tráng miệng hình thoi (truyền thống thì là vậy, chứ bây giờ thì món bánh này được làm với đủ thứ hình) được ăn vào ngày lễ Con gái ở Nhật Bản. Nó có ba lớp bánh mochi màu mè gồm đỏ, trắng và xanh lá cây. Cuối cùng, bên dưới có thể là một lớp đậu phộng hoặc kẹo đậu phộng. Màu đỏ được làm từ cánh hoa nhài, màu trắng được làm từ củ ấu và màu xanh làm từ ngải cứu.

14. Sakuramochi

Nghe tên thì bạn cũng biết là món bánh mochi này được làm từ gì. Món này từ hương vị đến màu sắc đều lấy cánh hoa Anh Đào làm chủ đạo. Nhân bánh thường được nhồi mứt đậu đỏ và chiếc bánh, sau khi hoàn thành, sẽ được cuộn trong lá hoa Anh Đào. Ở Osaka, món mochi sakura này được làm từ bột gạo thô và trông nó giống như một chiếc bánh Pudding dày (loại bánh giống như rau câu). Ở Tokyo thì chiếc bánh sẽ được làm mịn màng hơn, phục vụ trong các tiệm cafe hoặc tiệm bánh kẹo.

15. Hanabira Mochi

Món bánh mochi này có một cái tên khá mỹ miều là bánh mochi cánh hoa. Loại bánh này được dùng vào ngày đầu năm mới và lễ hội trà truyền thống lần đầu tiên bởi hoàng đế Nhật Bản. Món bánh mochi này có hình dáng rất dễ phân biệt với bánh mochi trắng bên ngoài và bánh mochi đỏ ở bên trong. Phần màu trắng được làm khá mỏng và mờ để lộ ra màu hồng bên dưới để tạo ra một màu sắc nhã nhặn và tinh tế. Kết quả của kỹ thuật này là nhờ vào cánh hoa mận Nhật Bản và bên trong thì có nhân là món mứt đậu đỏ anko.

 

5/5 - (44 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *